Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Côn Sơn Kiếp Bạc

Quần thể di tích Côn Sơn Kiếp Bạc là một trong các Di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam, thuộc địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Vậy Côn Sơn Kiếp Bạc có gì hay : đây là quần thể kiến trúc cổ kính với quy mô rất bề thế và nổi tiếng, lại có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Bao gồm các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong 3 lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13, và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ 15. Côn Sơn Kiếp Bạc gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ non sông đất nước, cùng nhiều vị danh nhân văn hóa khác.

Côn Sơn có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình với núi, rừng, suối, hồ, đan xen hòa hợp. Phía bắc Côn Sơn giáp núi Ngũ Nhạc, cao 238m, trên đỉnh có miếu “Ngũ Nhạc linh từ” thờ thần núi. Ngay bên cạnh là núi Kỳ Lân (còn gọi là núi Côn Sơn) cao 200m, trên đỉnh có Bàn Cờ Tiên và di tích nền của Am Bạch Vân. Rừng ở Côn Sơn chủ yếu là thông, bạt ngàn, xanh tốt. Suối Côn Sơn chảy rì rầm từ Bắc xuống Nam, giống như tiếng đàn cầm vang vọng giữa mênh mông. Bắc qua suối là cây cầu Thấu Ngọc đã đi vào thơ ca, sử sách.


Cảnh đẹp Côn Sơn đã quyến rũ bao thi nhân, mặc khách. Nguyễn Phi Khanh (cụ thân sinh của Nguyễn Trãi) tả trong Thanh Hư Động ký: “Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bầy - Hoa dọc suối, cỏ ven rừng biếc hồng phấp phới - Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem...”. Với Nguyễn Trãi, Côn Sơn thật nên thơ, được thể hiện qua tác phẩm Côn Sơn Ca: “Côn Sơn suối chảy rì rầm - Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai...”.

Côn Sơn còn là miền đất địa linh nhân kiệt. Hơn một ngàn năm trước, Định Quốc Công Nguyễn Bặc, thủy tổ của dòng họ Nguyễn Trãi đã lập căn cứ ở Côn Sơn để đánh sứ quân Phạm Phòng Át, một trong 12 loạn sứ quân vào cuối thời nhà Ngô (thế kỷ thứ 10), giúp Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước. Thế kỷ 13, vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, ba vị lập ra thiền phái Trúc Lâm đã về Côn Sơn thuyết pháp, xây dựng chùa Côn Sơn thành chốn Tổ đình, một thiền viện lớn của triều Trần. Trần Nguyên Đán - quan Đại tư đồ phụ chính, nhà thơ, nhà lịch pháp lớn thời Hậu Trần đã về Côn Sơn dựng Thanh Hư Động để nghỉ ngơi những năm tháng cuối đời. 

Lê Thánh Tông (thời Lê sơ) vị minh quân và là Tao Đàn nguyên súy, Thánh thơ Cao Bá Quát (thời Nguyễn)... đều đã đến Côn Sơn vãn cảnh, làm thơ, để lại cho đời những tác phẩm giá trị. Tháng 2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm danh thắng Côn Sơn. Tại đây, Người đã đọc văn bia trước cửa chùa Côn Sơn bằng sự trân trọng và niềm giao cảm đặc biệt với cố nhân. Côn Sơn gắn với tên tuổi của nhiều danh nhân đất Việt. Tuy nhiên, khi nói đến Côn Sơn là nói đến Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi - người đã gắn bó cả cuộc đời, sự nghiệp của mình ở đây. Ở Côn Sơn, mỗi sự vật, di tích đều lấp lánh ánh sáng của Nguyễn Trãi - Sao Khuê.

Khu di tích Kiếp Bạc

Kiếp Bạc nằm trong một thung lũng trù phú, xanh tươi, ba phía có dãy núi Rồng hình tay ngai với hai nhánh Nam Tào và Bắc Đẩu bao bọc, phía còn lại là Lục Đầu Giang (nơi hội tụ của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình). Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Kiếp Bạc cũng là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ trấn giữ cửa ngõ phía đông Kinh thành Thăng Long xưa (Hà Nội ngày nay). 


Như rời bày đất dựng, Kiếp Bạc đắc địa về phong thủy, có vị trí hiểm yếu về quân sự, có tứ linh quần tụ chung đúc khí thiêng. Bởi thế, sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đã chọn Kiếp Bạc làm trung tâm chỉ huy của phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn qua ải Chi Lăng, Nội Bàng theo sông Lục Nam, qua Lục Đầu Giang, Bạch Đằng ra biển Đông, nhằm tạo trận đồ “thủy bộ hợp thành, tiến thế công, thoái thế thủ” để chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288), chiến thắng lẫy lừng.

Sau khi Trần Hưng Đạo mất, để tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với đất nước, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ở vị trí trung tâm chỉ huy xưa, đặt tên là Kiếp Bạc và tôn ông làm Đức Thánh Trần... * Điểm nhấn tham quan của khu di tích này là Đền Kiếp Bạc, hai bên là chùa Nam Tào và chùa Bắc Đẩu...

Lễ hội Côn Sơn Kiếp Bạc

Hàng năm, lễ hội Côn Sơn Kiếp Bạc diễn ra 2 lần chính trong năm, với nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian và văn hóa truyền thống đặc sắc, thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách tour lễ hội 2019 thập phương về tham dự, chiêm bái.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn Kiếp Bạc được tổ chức từ 16 - 23 tháng Giêng âm lịch, tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang tôn giả, với các nghi thức tế lễ và diễn xướng dân gian như: Lễ Mông sơn thí thực, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ, lễ rước nước, đua thuyền trên Lục Ðầu Giang, hội thi gói và luộc bánh chưng, giã bánh dày, pháo đất, chọi gà, cờ người, đấu vật… 


Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 15 - 20/8 âm lịch, tưởng nhớ ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, với các nghi lễ như: lễ rước cỗ tiến Thánh, lễ duyệt quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, lễ ban ấn của Đức Thánh Trần và nhiều hoạt động dân gian như: đấu vật, đua thuyền, bắt vịt, nấu cơm thi, nhảy phỗng...

Trong những năm gần đây, du lịch Côn Sơn Kiếp Bạc đã được đầu tư bổ sung nhiều công trình, đường vào từ các ngả được nâng cấp và tráng nhựa. Du khách tour Côn Sơn Kiếp Bạc 1 ngày đến đây vào thời điểm nào cũng bắt gặp không khí trong lành mát mẻ, cảnh sắc hữu tình và đượm tính nhân văn.