Trong những năm gần đây, dù cho công tác tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, thế nhưng nỗi lo về sự lệch lạc ở các dịp lễ hội vẫn chưa hề biến mất. Đặc biệt, nỗi lo đó càng lớn hơn khi mùa lễ hội năm 2019 đang tới gần.
Chỉ còn gần 1 tháng nữa mùa lễ hội 2019 sẽ bắt đầu. Mặc dù trong những năm qua công tác tổ chức đã có nhiều chuyển biến, nhưng nỗi lo về sự lệch lạc ở các lễ hội vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó thể kiểm soát.
Vẫn còn nhiều bất cập
Theo ngành văn hóa, thể thao, du lịch (VHTTDL) trong năm 2018, các tập tục mang yếu tố bạo lực, phản cảm trong lễ hội đã được chuyển đổi hình thức tổ chức phù hợp. Đơn cử, lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; Lễ hội Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn năm đầu tiên thay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh du khách Đền Sóc và chùa Non Nước tranh giành cướp giò hoa tre...
Mặc dù vậy, cũng với những thay đổi tích cực thì cứ vào mỗi mùa lễ hội các bất cập cố hữu dường như vẫn là những câu chuyện khó có thể giải quyết “một sớm, một chiều”. Thực tế, ngay trong năm 2018 những bất cập vẫn liên tiếp xảy ra tại các lễ hội. Đó là hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội tại Hội làng Sơn Đồng (Lễ hội Giằng Bông), xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội); Hội Phết Hiền Quan xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ)... Việc đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn.
Cá biệt, việc khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích bắt đầu nảy sinh tại một số điểm di tích. Bên cạnh đó, một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính như lãnh đạo và công chức Kho bạc nhà nước thành phố Nam Định, lãnh đạo và công chức Điện lực Bình Lục (Hà Nam) đi lễ Đền Trần (Nam Định)... Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội tại chùa Hương (thành phố Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)... Ngoài ra, một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời.
Tăng cường kiểm tra các “điểm nóng”
Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến tính trạng trên là do các lễ hội hiện nay đang bị ảnh hưởng nhiều bởi kinh tế thị trường mà mất đi bản sắc truyền thống, biến tướng, xô lệch… Nhiều địa phương có xu hướng nâng cấp quy mô và mở rộng phạm vi lễ hội. Bên cạnh đó là sự biến tướng không tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội đã bị nhiều người lợi dụng khi đưa những nội dung không phù hợp, không có trong hồ sơ di sản vào hoạt động lễ hội.
Chính vì lý do này, trong thời gian qua thay vì việc chỉ đưa các văn bản chỉ đạo một cách hành chính như mùa lễ hội trước, năm nay, Bộ VHTTDL đã cử nhiều đoàn cán bộ đi làm việc với từng địa phương có các lễ hội “nóng” để cùng người dân tìm tiếng nói chung. Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở (VHCS) đã có buổi làm việc với Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ và một số địa phương có lễ hội điểm nóng trên địa bàn. Trong đó, với điểm nóng Lễ hội cướp phết Hiền Quan, tại cuộc họp, Cục trưởng Cục VHCS Ninh Thị Thu Hương khẳng định: “Đừng ngụy biện bằng hai từ truyền thống. Người Hiền Quan phải biết tự bảo vệ lễ hội của mình, không để du khách khắp nơi hoặc nhân dân các vùng lân cận cùng lao vào tranh cướp phết. Nếu có vấn đề, sự cố thì có thể tạm dừng…”. Ngoài ra, Cục VHCS cũng đề nghị tạm dừng tổ chức Lễ hội Đúc Bụt xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương và Lễ hội Cướp Phết, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch nếu chưa đưa ra phương án đổi mới hình thức, nghi thức tổ chức lễ hội phù hợp với cuộc sống hiện đại, có phương án đảm bảo an ninh, trật tự an toàn tuyệt đối cho du khách tour du xuân 2019 tham gia, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Sở VHTT Hà Nội cũng vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, cơ quan này phối hợp với các sở ban ngành thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi. Đặc biệt, theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội khẳng định công tác cấp phép tổ chức lễ hội sẽ được siết chặt. Những lễ hội phi truyền thống, lễ hội truyền thống cho doanh nghiệp đứng ra tổ chức... sẽ không được cấp phép. Những lễ hội đã được tổ chức định kỳ mà nảy sinh vấn đề gây bức xúc trong dư luận sẽ được tham vấn ý kiến cộng đồng, chuyên gia để lựa chọn hình thức phù hợp với đời sống văn hóa và xu thế thời đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét